Tin tức



6 công ty Trung Quốc bị phạt 26 triệu USD

Ngày 31/12/2014 16:13 GMT+7

- Một tòa án cấp cao ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc vừa tuyên phạt 6 công ty khoản tiền 160 triệu nhân dân tệ (26 triệu USD, tương đương hơn 551 tỉ đồng VN) do gây ô nhiễm.

 

Cá chết hàng loạt trên một con sông ở Trung Quốc do ô nhiễm - Ảnh:channelnewsasia.com

Đây là khoản phạt kỷ lục ở nước này.
Theo BBC, ngày 31-12, các công ty trên đã xả 25.000 tấn chất thải hóa học xuống hai con sông ở TP Thái Châu, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tháng 8 vừa qua, Tòa án nhân dân trung cấp Thái Châu đã tuyên phạt 14 người có liên quan mức án từ 2-5 năm tù, đồng thời lệnh cho các công ty trên nộp phạt 160 triệu nhân dân tệ trong vòng 9 tháng.
Các công ty này sau đó kháng án. Hôm qua 30-12, Tòa án nhân dân cao cấp Thái Châu mở phiên phúc thẩm và giữ nguyên mức án, yêu cầu các công ty phải nộp phạt trong thời hạn 30 ngày.
Tân Hoa xã nói đây là mức phạt cao nhất tại Trung Quốc đối với hành vi gây ô nhiễm.
Theo các nhà phân tích, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã gây thiệt hại môi trường trên diện rộng. Chính phủ nước này cũng đã thừa nhận khoảng 70% sông, hồ ở Trung Quốc đang bị ô nhiễm.

Theo tuoitre.vn

 

Thêm 450 triệu USD cải thiện môi trường TP. HCM

NGÀY 24/12/2014 22:03 GMT+7

- Ngân hàng thế giới vừa phê duyệt khoản vay và tín dụng với tổng trị giá 450 triệu USD cho Việt Nam để thực hiện Dự án Vệ sinh Môi trường TP. HCM giai đoạn 2.

Tổng chi phí của dự án là 495 triệu USD, trong đó 250 triệu USD được hỗ trợ qua khoản vay từ Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD) và khoản tín dụng 200 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). TP.HCM sẽ cung cấp 45 triệu USD từ ngân sách thành phố cho dự án này.

 

Triều cường tại TP. HCM.

Mục tiêu của dự án là xử lý nước thải, cải thiện môi trường, hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nước thải và tăng cường nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc cải thiện vệ sinh môi trường.
Dự án dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 1,1 triệu người dân TP. HCM bao gồm một nhà máy xử lý nước thải xử lý nước từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và từ nhiều khu vực Quận 2.
Dự án cũng sẽ lắp đặt cống ở nhiều khu vực tại Quận 2 và hỗ trợ xây dựng ống nối từ các hộ gia đình tới hệ thống cấp thoát nước của thành phố. Ngoài ra, dự án sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện các hoạt động vệ sinh môi trường và quản lý nước thải tại thành phố.

 

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của WorldBank tại Việt Nam.

“Thông qua dự án mới này, thành phố sẽ có thể giải quyết các vấn đề vệ sinh môi trường với chi phí thấp hơn, tạo nên một thành phố sạch và có sức cạnh tranh. Dự án này sẽ đảm bảo rằng người dân nghèo trong khu vực dự án được hưởng lợi qua việc kết nối hệ thống cấp thoát nước của gia đình với hệ thống cấp thoát nước thành phố”, Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ.
“Dự án sẽ thúc đẩy các hoạt động vệ sinh môi trường tốt hơn và hỗ trợ quá trình phát triển đô thị của TP.HCM thông qua tăng cường quản lý nước thải. Cũng trong khuôn khổ dự án, một Trung tâm học tập môi trường sẽ ra đời để nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề liên uan tới vệ sinh và môi trường, mang lại lợi ích cho người dân TP.HCM”, Ông Sudipto Sarkar, Chuyên gia trưởng kiêm Chủ nhiệm dự án nói.

Theo vietnamnet.vn

 

Rác trôi trắng trên kênh Bến Nghé

Ngày 20/12/2014 15:51 GMT+7

- Kênh Bến Nghé đoạn từ cầu Chữ Y, Q.5 ngược về hướng Q.6 những ngày này trở nên "xấu xí" bởi một lượng lớn rác trôi lều bều trên dòng kênh. 

 

Rác, lục bình vướng lại tại khu vực neo đậu những xuồng nhỏ trên mặt kênh, đoạn qua địa bàn Q.5

Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với vẻ đẹp của con đường Võ Văn Kiệt bên dòng kênh với những hàng cây xanh thẳng tắp và những tòa nhà cao tầng hiện đại.
Dù cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động; dù có qui định xử phạt hành vi xả rác xuống kênh nhưng tình trạng này hiện nay vẫn còn phổ biến và làm đau đầu các nhà quản lý.
Trước đó, ông Nguyễn Minh Hoàng - phó giám đốc Công ty môi trường đô thị cho biết tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được thành phố bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để cải tạo sạch đẹp, thoáng đãng nhưng con kênh này hàng ngày vẫn hứng từ 4-5 tấn rác.

Theo tuoitre.vn

 

Nhà máy gây ô nhiễm

Thứ Năm, 10:31  11/12/2014

Hàng trăm hộ dân dựng lều bao vây phản đối công ty sản xuất gỗ gây ô nhiễm nhưng tình hình vẫn không được cải thiện
Hơn 2 năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông phải hứng chịu khói bụi, nước thải chưa qua xử lý từ Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt đóng trên địa bàn.

 

Nước thải do Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt xả ra đường

Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt được xây dựng từ năm 2007 và bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2012. Theo phản ánh của người dân nơi đây, từ khi hoạt động, công ty đã gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Hằng ngày, khói bụi, mùi hóa chất, mùi hôi thối của nước thải luôn nồng nặc khiến cuộc sống của người dân trong vùng bị đảo lộn.
Ông Nguyễn Anh Sơn (ngụ thôn Thuận Tân, xã Thuận Hạnh) bức xúc: “Chúng tôi sinh sống ổn định ở nơi đây đã mấy chục năm. Từ khi công ty hoạt động, chúng tôi phải sống trong cảnh ngột ngạt bởi bụi bặm, ô nhiễm. Khi công ty hoạt động hết công suất thì khói đen tỏa ra mù mịt, bụi gỗ phủ kín cây cối, nhà cửa không thể nào chịu nổi. “Mặc dù người dân đã dùng vải dày che quanh giường ngủ nhưng mỗi khi trời mưa gió là mùi hôi thối xộc vào nồng nặc. Nhiều đêm cả gia đình phải bịt khẩu trang mới ngủ được” - một người dân kể.
Công ty được xây dựng ở khu đất cao nên nước thải không qua xử lý được thải ra ngoài, thấm xuống các giếng nước sinh hoạt của người dân. Gia đình nào có điều kiện thì mua nước đóng chai để nấu ăn, những gia đình khác đành liều sử dụng nước bị ô nhiễm. Không chỉ vậy, nhà máy còn lắp đặt một đường ống dài hàng trăm mét xả thải xuống khu vực ao hồ, gây ô nhiễm nguồn nước tưới cà phê của hàng trăm hộ dân trong vùng.
Trước thực trạng trên, bà Đoàn Thị Tốt, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh, khẳng định: Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt đã gây ô nhiễm trong thời gian dài. Bụi và nước thải khiến đời sống người dân các thôn Thuận Tân, Thuận Thành, Thuận Tiến… bị ảnh hưởng nặng nề. Các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra và xử phạt công ty về hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Bức xúc trước việc nhà máy gây ô nhiễm, đã nhiều lần người dân căng lều bạt ngay trước cổng công ty để phản đối. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập đoàn kiểm tra và kết luận Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt chưa báo cáo chất thải nguy hại theo định kỳ, không quản lý chứng từ chất thải nguy hại theo quy định... UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu công ty thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, tập trung xử lý các cửa xả thải và các vấn đề khác liên quan đến môi trường như bụi, khí thải phát sinh...
Ông Nguyễn Trung Sáu, Trưởng Phòng Quản trị nhân sự Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt, thừa nhận nhà máy có gây ô nhiễm môi trường. Hiện nhà máy vẫn đang trong giai đoạn chạy thử, công ty đang đầu tư 28 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải và khói bụi, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. “Trong thời gian chờ hệ thống xử lý nước thải và khói bụi hoàn thành, chúng tôi đã lắp hệ thống nước phun mưa để giảm bụi” - ông Sáu phân trần.

Điều tra việc để mất rừng
Năm 2009, Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000 ha rừng tại huyện Đắk Song để bảo vệ và chuyển đổi một phần nhỏ diện tích trồng cây keo nguyên liệu. Đến nay, trong diện tích rừng trên đã có đến gần 200 ha bị tàn phá. UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng “làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất UBND tỉnh xử lý việc để mất diện tích rừng quá lớn
”.

Theo nld.com.vn

 
Trang 11 trong tổng số 375 trang