Tin tức



Nhà máy gây ô nhiễm, dân bức xúc

- Nhiều vùng quê thanh bình ở ĐBSCL đang trở nên ngột ngạt do môi trường bị ô nhiễm nặng nề sau khi có các nhà máy chế biến thuỷ sản và may mặc mọc lên.

Cuối tháng 8/2014, hàng trăm người dân ở ấp Phấn Thạnh, xã Thạnh Phú (Cái Nước, Cà Mau) đập đường ống dẫn nước thải của phân xưởng sơ chế tôm thuộc Cty CP Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau, để “tạo bằng chứng” ô nhiễm môi trường.

 

Người dân đập đường ống xả thải của phân xưởng chế biến đầu tôm ở xã Thạnh Phú

Không xử lý được

Một người dân tham gia đập ống dẫn nước thải của phân xưởng chế biến tôm, ông Phạm Văn Đảnh bức xúc: “Nước thải không được xử lý, xả ra làm ao nuôi tôm của dân chết hàng loạt. Chúng tôi gửi đơn nhiều nơi không ai giải quyết nên phải phá, không cho xả nước thải ra sông nữa”.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, ông Nguyễn Duy Hưng, than thở, biết dân bức xúc lâu rồi nhưng cấp xã không giải quyết được. Ông giải thích, UBND tỉnh Cà Mau cấp phép. Việc giám sát và xử lý ô nhiễm môi trường là Sở Tài nguyên Môi trường (TN - MT), “cấp xã chỉ ghi nhận ý kiến của người dân, báo cáo lên trên và chờ đợi”, ông Hưng nói.

Ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau) có hàng chục xí nghiệp chế biến thủy sản đang xả nước thải chưa xử lý xuống kênh, gây ô nhiễm nhiều xã trong huyện, lan ra huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi và cả TP Cà Mau. Ông Trần Văn Toản ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú (Cái Nước) nói: “Chúng tôi làm đơn khiếu kiện nhưng không ai xử lý, không chỉ ô nhiễm sông rạch mà không khí cũng hôi thúi không chịu nổi, bệnh tật ngày càng nhiều”. Khu công nghiệp Hòa Trung ở xã Lương Thế Trân được “vẽ” quy hoạch khi các nhà máy chế biến thủy sản đã mọc lên trong khu dân cư nên khó xử lý ô nhiễm. Lãnh đạo khu công nghiệp cho biết, xen kẽ giữa các nhà máy có hơn 100 hộ dân sinh sống lâu đời, nay “đi không được, ở không yên”.

Ông Ngô Nhật Thành, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cà Mau, nói: “Không có khu công nghiệp riêng cho chế biến thủy sản là bức xúc nhất hiện nay. Cà Mau có 48 nhà máy chế biến thủy sản nằm rải rác trong dân, một số có hệ thống xử lý nước thải nhưng vận hành hay không rất khó kiểm soát”. Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích nồng độ các chỉ tiêu môi trường tại 30 điểm quan trắc nước mặt khu vực có nhà máy chế biến thủy sản. Kết quả, ô nhiễm chất hữu cơ và dinh dưỡng đều vượt quy chuẩn nhiều lần. 

Cửa biển tanh hôi

Cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) có hàng chục xí nghiệp chế biến bột cá từ nguyên liệu cá tạp được khai thác “tận diệt” từ biển Tây Nam, đang biến cửa biển trong lành này thành nơi tanh hôi. Dọc theo tuyến đường huyết mạch từ thị trấn Trần Văn Thời vào cửa biển thị trấn Sông Đốc, các xí nghiệp chế biến bột cá như Sing- Việt, Quốc Hiệp, Đặng Lợi,... giăng giăng ven sông Đốc.

Đây là cửa biển của sông Đốc thơ mộng chảy suốt vùng U Minh Hạ ngọt ngào, từng đi vào thơ ca nhạc hoạ. Thị trấn Sông Đốc nằm ngay cửa biển lộng gió, có hơn 30.000 dân, từng là điểm du lịch của khách gần xa thì nay nồng nặc mùi tanh hôi, nhiều khu vực muốn ngạt thở.

Chủ khách sạn Lê Trân ở thị trấn Sông Đốc buồn bã: “Khách phương xa đến hay than phiền mùi tanh hôi từ các xí nghiệp chế biến bột cá, chúng tôi chẳng biết làm sao. Dân tình ở lâu đành phải chịu”. Đi lại ở thị trấn sầm uất này, luôn gặp tàu chở cá ươn, cá tạp cập bến, rồi cảnh phơi khô bát ngát với ruồi nhặng, và sương khói phả ra từ các nhà máy chế biến tạo thành một mùi đặc trưng kinh khủng.

Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, ông Từ Văn Hiền, cho biết: “Kế hoạch của trên là quy hoạch chỉnh trang, nâng cấp thị trấn thành thị xã Sông Đốc vào năm 2015 nhưng chưa thể triển khai, vì lộn xộn và ô nhiễm quá. Các cơ sở chế biến tôm cá vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư. Nhiều cơ sở phơi và nghiền phụ phẩm thủy sản để làm phân, chỉ có dẹp đi mới mong hết ô nhiễm. Nhưng dẹp đi thì giải quyết cuộc sống người dân liên quan như thế nào?”.

Đề nghị phạt 642 triệu đồng

Chi nhánh Cty May mặc Cây Dừa 1 ở ấp Tiên Tây Vàm, xã Tiên Thủy (Châu Thành, Bến Tre) đang bị đề nghị xử phạt 642 triệu đồng, vì làm ô nhiễm trầm trọng môi trường. Chi nhánh này mới đi vào hoạt động từ tháng 2/2014, được cấp phép may gia công trang phục mỗi năm gần 10 triệu sản phẩm, giặt và làm sạch các sản phẩm dệt, lông thú. Thực tế hoạt động chỉ là giặt, làm sạch và sấy các sản phẩm may mặc với hàng tấn hóa chất được sử dụng mỗi tháng.

Chủ tịch UBND xã Tiên Thủy, ông Trần Minh Hiếu, cho biết, Chi nhánh công ty này liên tục xả nước thải độc hại ra môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xung quanh. Chính quyền đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản nhưng vi phạm vẫn tái phạm. Mới đây, Thanh tra Sở TN&MT phối hợp nhiều cơ quan tổ chức thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường của Chi nhánh Công ty May mặc Cây Dừa 1.

Theo báo cáo của đoàn thanh tra, Chi nhánh này có nhiều vi phạm trong quản lý khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, còn khoan thăm dò 4 giếng nước ngầm không phép. Công ty này xả thẳng nước thải chứa nhiều hóa chất độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần ra hệ thống kênh rạch. Qua đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh xử phạt Chi nhánh Công ty May mặc Cây Dừa 1 mức 642 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng để xử lý hậu quả cũng như hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

An Giang thuê doanh nghiệp xử lý chất thải

Tỉnh An Giang có nhiều cơ sở nuôi và chế biến thủy sản, hằng năm xả ra lượng chất thải rất lớn nên đã thuê một doanh nghiệp khảo sát và xây dựng các hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại. Năm 2010, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đầu tiên ở một nhà máy chế biến thuỷ sản tại xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú), đến nay đã xây dựng được nhiều hệ thống xử lý nước thải cho các nhà máy. Từ xử lý nước thải ở các nhà máy đi đến xây dựng dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn tập trung cho các huyện. Các hệ thống xử lý chất thải đi kèm sản xuất khí đốt, điện năng, nhiên liệu sinh học và bán chứng chỉ giảm phát thải nên hạ được giá thành.

Theotienphong.vn

 

Việt Nam báo động ô nhiễm không khí trong nhà

06:18 ngày 16 tháng 10 năm 2014

- Theo một công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2012 có 7 triệu ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trong đó, 3,3 triệu ca tử vong bắt nguồn từ ô nhiễm trong nhà, tập trung ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Một nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, nhiều văn phòng, cao ốc ở Hà Nội đang có dấu hiệu ô nhiễm.

Nhiều chất độc ở không khí trong nhà

Từ khi chuyển về căn hộ mới ở khu đô thị Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, những người trong gia đình anh Nguyễn Văn Đạt bị dị ứng, khó thở, đau đầu. Riêng hai cậu con trai thường xuyên bị ho. Đưa cháu đi khám, bác sỹ chẩn đoán bị viêm phổi.

Anh Đạt cho biết, khi chuyển về nhà mới, vợ chồng anh có sơn lại phòng, đánh vecni bàn ghế, mua thêm nhiều đồ nội thất mới. Theo lời bác sỹ, các cháu bị viêm phổi có thể do hít phải không khí trong nhà chứa nhiều hóa chất độc hại thải ra từ những dụng cụ trên.

Theo thạc sỹ Ngô Quốc Khánh, Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động, nghiên cứu của WHO chỉ ra các chất ô nhiễm thông thường có thể tìm thấy trong nhà (nhà ở, văn phòng làm việc) là bụi bông, khói thuốc, Bezene, Formaldehyde, Naphthalene; Nitrogen dioxide ; Polycylic aromatic hydrocarbones; Radon; Tricloroethelene; aminang; ozone; toluene; vi sinh vật. 

Việt Nam hiện chưa có tiêu chuẩn không khí trong nhà. Tuy nhiên nếu áp các chỉ số trên vào một số tiêu chuẩn của quốc tế thì thấy vượt tiêu chuẩn cho phép.

Các chất gây ô nhiễm trên được phát ra từ nhiều nguồn trong nhà như khói thuốc lá, bếp than tổ ong, bếp dầu, bếp ga (thải ra khí CO2). Quá trình xào nấu thức ăn sẽ bốc ra mùi làm ô nhiễm không khí trong bếp. Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như forrmaldehyte, benzen, axeton phát sinh từ thiết bị văn phòng như máy in, máy photocopy, thảm lau chùi, đồ gỗ , sơn, chất tẩy rửa, đồ nhựa. Mặt khác, những nơi ồn ào hoặc giá rét thường đóng kín cửa sổ (để chống ồn và chống rét) khiến các loại khí độc hại không thoát ra ngoài được.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động tại sáu văn phòng trong bốn tòa nhà ở nội thành Hà Nội cho thấy, nồng độ CO2 trong không khí trung bình là 860ppm (nơi cao nhất là 940ppm), nồng độ Formaldehyde là 0,023 ppm (cao nhất 0,046 ppm), nồng độ ozon là 0,067ppm (cao nhất là 0,091ppm), nồng độ các chất hữu cơ dễ bay hơi là 6,33 ppm, nồng độ bụi hô hấp là 0,208 mg/m3, các chỉ tiêu sinh vật như tổng nấm là 1285Sl/m3 kk.

Việt Nam hiện chưa có tiêu chuẩn không khí trong nhà. Tuy nhiên nếu áp các chỉ số trên vào một số tiêu chuẩn của quốc tế thì thấy vượt tiêu chuẩn cho phép. Ví dụ nồng độ forrmaldehyde vượt quy định của Viện Quốc gia về an toàn và Sức khỏe nghề nghiệp của Mỹ (NIOSH ), nồng độ bụi hô hấp vượt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn Chất lượng không khí quốc gia (NAAQS) của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (USEPA, 1987).

Riêng chỉ tiêu về vi sinh vật vượt xa khuyến cáo rất nhiều lần, chứng tỏ môi trường không khí trong nhà được khảo sát đều ô nhiễm về vi sinh vật. Nguyên nhân là do việc sử dụng tuần hoàn không khí của hệ thống điều hòa, thông gió.

 

Bếp than tổ ong là một nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà khá phổ biến ở Việt Nam

Gây ra nhiều bệnh nguy hiểm

Các chất gây ô nhiễm trong nhà đều tác động xấu tới sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê formaldehyde vào loại hóa chất độc hại với sức khỏe.

Nếu tiếp xúc với hóa chất này trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể như mũi, họng, phổi. Sự tồn tại của formaldehyde ở môi trường trong nhà (do gỗ, rèm cửa, chăn gối, drap trải giường, bọc đệm ghế, thảm..) luôn cao hơn môi trường ngoài trời. Vì vậy việc nhiễm formaldehyde đối với sức khỏe con người diễn ra liên tục và có tính tích lũy.

Khí Ôzôn cũng làm tổn thương đường dẫn khí, gây viêm các tế bào gây ho, ngứa họng, khó chịu trong lồng ngực đồng thời làm giảm chức năng phổi. Ôzôn cũng làm nặng hơn các bệnh về hô hấp và giảm khả năng của cơ chế chống lại vi sinh vật xâm nhập vào hệ hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn.

Trong khi đó, tiếp xúc nhiều với benzene có thể gia tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu cũng như nhiều loại bệnh khác liên quan đến máu huyết. Chất này còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây kích thích (irritation) đường hô hấp, mắt và da.

Theo đánh giá của WHO, ô nhiễm không khí trong nhà đáng lo ngại nhất vì phần lớn hoạt động của con người diễn ra trong nhà (theo nghiên cứu của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ, con người dùng khoảng 80-90% hoạt động trong nhà).

Một công bố của WHO chỉ ra năm 2012 có bảy triệu ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trong đó, 3,3 triệu ca tử vong bắt nguồn từ ô nhiễm trong nhà, tập trung tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Ô nhiễm không khí trong nhà ảnh hưởng cao gấp 2-8 lần so với các bệnh có nguyên nhân là ô nhiễm bên ngoài.

Theo thạc sỹ Ngô Quốc Khánh, hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hay khuyến cáo chính thống nên việc đánh giá chất lượng môi trường không khí trong nhà vẫn đang là thách thức. Vì vậy cần nhanh chóng nghiên cứu, biên soạn tiêu chuẩn, khuyến cáo về nồng độ chất ô nhiễm cho phép trong không khí trong nhà.

Ngoài ra cũng nên tổ chức quan trắc, đo đạc và đánh giá chất lượng không khí trong nhà định kỳ tại các tòa cao ốc, văn phòng nhằm tránh ảnh hưởng đáng tiếc đến sức khỏe con người.

Để hạn chế ô nhiễm trong nhà

Các chuyên gia tư vấn để hạn chế ô nhiễm trong nhà nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa như hút bụi, giặt rèm cửa, giặt thú nhồi bông; hạn chế dùng thảm; tận dụng khí trời để lưu thông các chất ô nhiễm trong nhà (tuy nhiên, không nên mở cửa sổ nếu quanh nhà có nguồn khí thải ô nhiễm); không nên hút thuốc trong nhà, không vận hành xe ô tô hoặc động cơ chạy bằng nhiên liệu trong ga-ra trong nhà. Nếu đun nấu bằng than, củi, dầu lửa, nhà bếp cần có ống khói.

Đồ nội thất mới hoặc các căn phòng mới sửa chữa, sơn phết lại thường có mùi dung môi phát thải vào không khí, đây là các chất rất độc hại, cần mở cửa phòng để bay bớt mùi dung môi; trồng thêm cây xanh để điều hòa không khí.

Theotienphong.vn

 

Ô nhiễm đất: SOS!

Ngày 15/10/2014 09:49 GMT+7

- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) Hoàng Dương Tùng đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về thực trạng ô nhiễm đất.


 

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng

 

Ông Tùng cho biết:

- Qua quan trắc tại 140 điểm của 28 tỉnh, thành phố, có thể khẳng định nhiều nơi nguồn ô nhiễm trong đất đã vượt ngưỡng. Những vùng đất bị ô nhiễm cao tập trung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và đất nông nghiệp. 

* Thưa ông, nguồn gây ô nhiễm chính cho đất xuất phát từ đâu? 

- Đáng chú ý, các nguồn gây ô nhiễm cho đất đều bắt đầu từ các hoạt động của con người. Thứ nhất, đó là nguồn nước thải xả vào môi trường chưa đạt tiêu chuẩn, việc chôn lấp rác thải, chất chứa rác thải bừa bãi, cuối cùng thẩm thấu hết vào đất.

Thứ hai, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện làm cho mức độ ô nhiễm đất gia tăng.

Thứ ba, ngay trong những vùng sản xuất, tình trạng sử dụng nước ô nhiễm tưới tiêu vẫn còn, đây cũng là nguyên nhân khiến cho chất lượng đất suy giảm.

Đáng nói nhất là đất ở một số môi trường làng nghề, từ nước thải, chất thải, thậm chí cả nguồn thải nguy hại xả dồn vào đất.

* Ông thấy việc nhìn nhận về ô nhiễm đất hiện nay như thế nào?

- Còn rất đơn giản! Thực tế ô nhiễm đất không như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước có thể nhìn thấy, ngửi thấy ngay. Ô nhiễm đất phải qua quan trắc, thậm chí có vùng trải qua bao nhiêu năm tích tụ rồi nguồn ô nhiễm mới làm thay đổi chất lượng đất, và khả năng nguy hại cho con người cũng ngấm dần, ngấm dần. 

Ở ngay các làng nghề, ngành nghề sản xuất, vì lý do mưu sinh, đôi khi việc cảnh báo, tuyên truyền ngăn ngừa các hành vi gây ô nhiễm cho đất còn bị xem nhẹ.

Có làng nghề tái chế chất thải điện tử, nguồn ô nhiễm từ kim loại nặng được đưa qua nước thải vào đất ở của chung gia đình. Biện pháp xử lý mới chỉ thông qua việc xử lý xả thải gây ô nhiễm, xử lý việc chôn lấp không đúng quy định, từ đó góp phần ngăn chặn gây ô nhiễm đất.

* Theo ông, giải pháp nào hiệu quả để tình trạng ô nhiễm đất không gia tăng?

- Ở các nước phát triển, việc quản lý đất có hồ sơ từng thửa, và phải công khai chất lượng đất của từng thửa, nhưng ở mình chưa làm được như vậy.

Vì vậy, giải pháp chính được xác định là ngăn chặn và phục hồi. Trước tiên phải nói việc phục hồi đất ô nhiễm là vấn đề cực khó và rất tốn kém.

Ví như việc xử lý đất nhiễm chất độc diôxin đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến và nguồn kinh phí khổng lồ. Hoặc việc xử lý phục hồi đất ô nhiễm qua vụ chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa), phải bóc toàn bộ lớp đất ô nhiễm, phải thuê đơn vị có công nghệ mới phục hồi được. 

Ngay chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở các kho thuốc ngày xưa, đến nay dù đang thực hiện nhưng kinh phí phải đầu tư cũng rất lớn, làm cũng không dễ một chút nào nên việc xử lý cũng chưa được nhiều.

Còn các giải pháp xử lý đơn giản nhất là công nghệ đốt, bóc đất đi xử lý, đổ bê tông khoanh vùng ô nhiễm, trồng cây sinh học, nhưng giải pháp nào cũng tốn kém và không thể xử lý ở diện rộng. 
 

Giải pháp hiệu quả nhất, rẻ nhất 

Thứ nhất, phải ngăn chặn triệt để các hành vi xả trộm nước thải, chất thải, chôn lấp trộm chất thải và chôn lấp chất thải nguy hại không đúng quy định, hạn chế chôn lấp chất thải nguy hại.

Thứ hai, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc không được phép sử dụng vì những loại thuốc này độc tố rất lớn, rất nguy hại. Phải tuyên truyền để người dân, các đơn vị thay đổi nhận thức, quan tâm thật sự để không có những hành vi gây ô nhiễm đất. 

Hiện nay, Luật bảo vệ môi trường 2014 cũng đã có hẳn một chương về ô nhiễm đất, kiểm soát môi trường đất, trong đó đã xác định trách nhiệm của chủ sử dụng đất. Cụ thể là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất. Còn trách nhiệm này ra sao thì quá trình xây dựng nghị định hiện nay đang bàn, đang lấy ý kiến. 

Trước mắt sẽ theo hướng quy trách nhiệm cho những chủ sử dụng diện tích đất lớn, trong đó có trách nhiệm phải đảm bảo chất lượng đất và sẽ xác định các chế tài xử lý với những trương hợp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường đất. 

Theotuoitre.vn

 

Ô nhiễm đất: SOS! - Kỳ 2: Chưa kiểm soát độc hại

Ngày 14/10/2014 13:53 GMT+7

 - Tình trạng ô nhiễm đất đang ở mức rất trầm trọng, song khi đề cập các giải pháp bảo vệ, “chữa bệnh” ngộ độc cho đất thì dường như chưa có gì!

 

Thời gian qua, công an đã bắt được nhiều chủ doanh nghiệp đem đi chôn lén chất thải rắn nguy hại khiến đất bị ô nhiễm nặng nề bởi hóa chất độc hại, nguy cơ nhiễm ung thư cao - Ảnh: Sơn Bình

Tôi có thể khẳng định tình trạng ô nhiễm đất ở Việt Nam hiện nay là rất nhiều và mối nguy hại của nó đối với môi trường sống, sức khỏe con người rất lớn. Tuy nhiên, do ở dạng khó nhận thấy bằng mắt thường nên ô nhiễm đất dường như không nhận được sự quan tâm của xã hội

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến

              

           

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón và môi trường phía Nam, nói: “Nói đến ô nhiễm, người ta chỉ nghĩ đến nước, không khí, trong khi hai thứ ô nhiễm này đều đổ về đất gần 100%.

Các số liệu nghiên cứu về ô nhiễm đất hiện nay chỉ dừng lại ở những báo cáo khoa học cũ hoặc những luận văn làm kiểu cho có. Điều này chứng tỏ ô nhiễm đất chẳng được ai quan tâm theo đúng mức độ nghiêm trọng của nó cả. Trong khi còn có những giải pháp cấp bách”.

Ngộ độc rất trầm trọng

Cũng theo tiến sĩ Nghĩa, với tình trạng khí nhà kính đang tăng lên thì mọi nguồn khói bụi được thải ra từ các khu công nghiệp, các loại xe đi đường... đều lơ lửng trong tầng không và chắc chắn sẽ kết hợp với nước mưa, hơi nước để tạo thành mưa axit nồng độ rất cao. Lượng mưa axit đó sẽ rơi xuống và ngấm vào đất, không cách nào khác đất phải chấp nhận chứa những loại chất nguy hại từ không khí.

“Tài nguyên đất đang bị ngộ độc rất trầm trọng. Hiện tượng này thể hiện rất rõ ràng ở tình trạng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, nhiễm dioxin. Điều lo lắng là dường như người ta vẫn chưa có sự quan tâm một cách cụ thể đến vấn đề này.

Trong khi ở các nước trên thế giới từ những năm 1970 người ta đã lập nên những quỹ lớn cho việc khắc phục và kiểm soát ô nhiễm đất, thì ở Việt Nam mọi vấn đề liên quan đến tình trạng này lại đang bị làm lơ” - ông Nghĩa nói.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc ô nhiễm đất ở Việt Nam đã được quan tâm như thế nào, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến thẳng thắn thừa nhận: “Tôi có thể khẳng định tình trạng ô nhiễm đất ở Việt Nam hiện nay là rất nhiều và mối nguy hại của nó đối với môi trường sống, sức khỏe con người rất lớn. Tuy nhiên, do ở dạng khó nhận thấy bằng mắt thường nên ô nhiễm đất dường như không nhận được sự quan tâm của xã hội. Có thể nhận định trong tương lai nguy cơ về ô nhiễm đất sẽ phơi bày, kèm theo đó là những rủi ro, tác động do chúng đem lại. Hiện nay các ngành cơ khí, hóa chất, khai khoáng, nông nghiệp, các ngành dịch vụ như khách sạn, sân golf... đang được ưu tiên phát triển nhưng vẫn chưa kiểm soát được những nguy hại về môi trường đất”.

Người dân tự cứu

Trong khi đó, những nông dân ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang đi theo con đường trả lại sự cân bằng sinh thái cho đất bằng cách thay vì sử dụng phân bón hóa học để bón cho cây, họ sử dụng các phế phẩm nông nghiệp có sẵn ở đồng ruộng để ủ thành phân vi sinh.

Nông dân Huỳnh Phi Phụng hơn hai năm nay sử dụng phân vi sinh để trồng cây cho biết: “Hồi trước cứ mua phân hóa học về bón thí cho cây, bón riết thì cây cũng lớn, cũng xanh nhưng đất đai cứ chai cứng, bạc màu dần đi”.

Theo anh Phụng, với 1 công đất trồng rau, từ ngày anh bón phân vi sinh thay cho phân hóa học thì thời gian thu hoạch kéo dài thêm 2-3 tháng, năng suất rau quả cũng cao hơn nhiều. Đặc biệt, khi bón phân vi sinh cho đất thì lượng phân năm sau bón cho đất sẽ giảm dần vì đất sẽ trở nên mùn, xốp và giàu chất dinh dưỡng hơn chứ không phải như bón phân hóa học.

Đến nay, không chỉ có gia đình anh Phụng mà còn rất nhiều bà con nông dân ở xã Thạnh Hội bắt đầu áp dụng phương pháp bón phân vi sinh khi trồng cây.

Ông Cao Hoàng Minh - chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Hội - cho biết: “Nhiều bà con ở đây còn hiểu rất rõ chuyện đất bị ô nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình như thế nào. Điều chúng tôi lo lắng là đến nay vẫn chưa tìm được loại thuốc trừ sâu nào ít gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Cứ bước ra tiệm thuốc bảo vệ thực vật là thấy đủ chủng loại thuốc ngoài danh mục bán với giá rẻ như bèo thì làm sao nghĩ cho đặng... Chúng tôi mong sao có được sự quy định, quản lý chặt chẽ từ các ngành chức năng để nông dân chúng tôi cũng có thể góp phần mình vào việc bảo vệ môi trường đất”.

Theotuoitre.vn

 
Trang 17 trong tổng số 375 trang