Tin tức



269.000 tấn nhựa ô nhiễm trôi lềnh bềnh trên đại dương

Ngày 11/12/2014 10:20 GMT+7

- Một nghiên cứu mới đây cho biết gần 269.000 tấn nhựa ô nhiễm đang trôi nổi trên các đại dương của thế giới, nghiêm trọng hơn 10 lần so với ước tính trước đó.

 

Theo nghiên cứu mới đây, 269.000 tấn nhựa ô nhiễm đang trôi nổi trên các đại dương của thế giới, gây tổn hại cho toàn bộ chuỗi thức ăn - Ảnh: Alamy

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Viện Five Gyres của Mỹ, nhựa ô nhiễm có mặt khắp các đại dương, nhưng thế giới thiếu dữ liệu về chúng - nhất là tại khu vực Nam bán cầu và những nơi xa xôi.
Để ước tính chính xác hơn tổng số mẩu nhựa và trọng lượng của chúng trên các đại dương, nhóm này đã sử dụng dữ liệu từ 24 cuộc thám hiểm trong sáu năm qua trên các đại dương, ven biển Úc, Vịnh Bengal và biển Địa Trung Hải.
Họ phát hiện có đến 5,25 nghìn tỉ mẩu nhựa đang trôi nổi trên các đại dương, với gần 75% trong số này có nguồn gốc từ các vật thể lớn bằng nhựa như phao, xô và các ngư cụ khác.
Quy ra khối lượng thì số nhựa này tương đương 269.000 tấn, con số mà các nhà nghiên cứu nói là "ước tính tối thiểu", tức con số thực tế còn cao gấp nhiều lần, và chúng đã và đang gây ra nhiều nguy cơ cho toàn bộ hệ sinh thái biển.
Theo National Geographic, các chất thải hàng ngày từ túi nhựa đến vỏ chai nước suối, đã bị vứt xuống các đại dương trong nhiều thập kỷ qua. Phần lớn chúng sau đó dạt vào bờ biển hoặc "định cư" ở một trong các vòng xoáy cận nhiệt đới đại dương - một hệ thống lớn gồm các dòng chảy được hình thành bởi các mô hình gió toàn cầu.
Các vật thể này sau đó bị phân rã thành những hạt nhỏ li ti, đe dọa đến sự sống của nhiều động vật biển - từ loài không xương sống nhỏ bé đến loài hữu nhũ to lớn, nếu chúng nuốt phải. Con người cũng sẽ bị ảnh hưởng khi ăn cá bị nhiễm độc nhựa.
Nghiên cứu được công bố hôm qua 10-12 trên tạp chí PLOS One.

Theo tuoitre.vn

 

LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ (SỬA ĐỔI): Thêm nhiều đối tượng được chi trả 100%

Thứ Tư, 21:55  10/12/2014
Các quy định liên quan đến cùng chi trả, phân tuyến, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là những nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm

Sáng 10-12, Báo Người Lao Động đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Luật BHYT: Những đổi mới mạnh mẽ”. Nhiều chuyên gia đến từ Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và đại diện các bệnh viện (BV) đã trực tiếp trả lời các câu hỏi do bạn đọc gửi đến.

Phải tham gia BHYT cả hộ gia đình
Theo quy định của Luật BHYT (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, người dân khi tham gia BHYT phải tham gia cả hộ gia đình. “Theo quy định mới, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú cùng tham gia BHYT. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng chỉ khi ốm và chỉ những người ốm trong hộ mới tham gia BHYT” - ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam - giải thích. Trả lời câu hỏi của bạn đọc Minh Hoàng (Đồng Nai) về các ưu đãi khi tham gia BHYT cả hộ, ông Sơn nêu rõ mức BHYT người dân phải đóng là 4,5% mức lương cơ sở đối với người đầu tiên trong hộ tham gia BHYT; lần lượt 70%, 60%, 50% đối với người thứ 2, 3, 4; 40% đối với người thứ 5 trở đi.

 

Đăng ký khám BHYT tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM)

Một thay đổi được khá nhiều người dân quan tâm là việc mở rộng đối tượng được chi trả 100%. Theo đó, quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu sốđang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ... sẽ được bãi bỏ. Người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền khám chữa bệnh trong năm không quá 6 tháng lương cơ sở cũng được hỗ trợ 100% chi phí.
Vượt tuyến: “Siết” ngoại trú, ưu đãi nội trú
Khá nhiều bạn đọc đặt ra các vấn đề liên quan đến việc chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu lên tuyến trên vốn là bài toán khó đối với các BV và cơ quan BHYT. Trước nhiều câu hỏi nêu ý muốn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BV Chợ Rẫy, ThS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính BV Chợ Rẫy, cho biết là một BV tuyến trung ương, Chợ Rẫy chỉ tiếp nhận những trường hợp chuyển viện từ các tuyến trước lên nhưng con số bệnh nhân BHYT đã lên đến 60% và đang trong tình trạng quá tải nên không thể nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Để kiểm soát lại vấn đề vượt tuyến, luật mới cũng đưa ra các quy định đối với trường hợp người dân tự vượt tuyến. “Khi khám chữa bệnh đúng tuyến thì quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức: 100%, 95%, 80% tùy theo nhóm đối tượng, cơ sở khám chữa bệnh. Riêng trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, để tránh tình trạng quá tải tuyến trên, lần này luật không thanh toán cho khám chữa bệnh ngoại trú” - bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết. Tuy nhiên, những ưu đãi dành cho đối tượng điều trị nội trú vượt tuyến lại được nâng lên khá nhiều, với lý do người bệnh phải điều trị nội trú thường mang bệnh nặng, cần được ưu tiên về điều kiện chữa trị. Theo quy định mới, người điều trị nội trú trái tuyến sẽ được chi trả lần lượt 40%, 60%, 70% lần lượt đối với BV tuyến trung ương, tỉnh - thành, quận - huyện. Mức chi trả sẽ lên đến 100% ở BV tuyến quận - huyện từ ngày 1-1-2016 và BV tuyến tỉnh - thành từ ngày 1-1-2021.
 
Không chi trả 30% khám ngoại trú vượt tuyến
Bà Tống Thị Song Hương cho biết theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, từ ngày 1-1-2015, bệnh nhân vượt tuyến khám chữa bệnh ngoại trú sẽ không được hưởng mức thanh toán cùng chi trả 50% chi phí khám chữa bệnh đối với tuyến tỉnh và 30% chi phí đối với tuyến trung ương. Với tuyến huyện, mức chi trả đối với bệnh nhân nội trú và ngoại trú được giữ nguyên mức thanh toán là 70%.
Lý giải nguyên nhân bãi bỏ quy định cùng chi trả với bệnh nhân vượt tuyến khám ngoại trú, bà Hương cho rằng thực tế cho thấy khoảng 70% trường hợp bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới không cần thiết vượt tuyến, gây quá tải ở tuyến trên. Do đó, quy định này nhằm giảm tải cho các BV tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng quy định các BV tuyến dưới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật và trong những trường hợp này, Quỹ BHYT vẫn thanh toán theo đúng quy định để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

 

COP-20 Lima nóng lên với nhiệt độ Trái Đất

NGÀY 08/12/2014 11:28 GMT+7

- Hội nghị lần thứ 20 của Liên Hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu COP-20 đang diễn ra tại thủ đô Lima (Peru) được hâm nóng lên bởi nhiệt độ Trái đất tăng tới mức chưa từng có kể từ đầu năm 2014 đến nay.

Hội nghị COP-20 lần này với sự tham gia của các đại diện từ 196 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC). Cuộc gặp gỡ lần này sẽ kéo dài, những gần 2 tuần, vì các đại biểu sẽ vừa tham dự Hội nghị Biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20) và cả Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP10).
Hội nghị Lima nhằm tới mục tiêu đạt được một thỏa thuận mới về giới hạn mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính, để tiến đến một hiệp định quốc tế trong vòng 1 năm tới (cuối năm 2015). Các đại biểu cũng sẽ bàn cách thúc đẩy kế hoạch hành động ở mỗi nước.

 

Khí thải “nhà kính” gây biến đổi khí hậu Trái Đất. (Ảnh minh họa)

Trước thềm khai mạc Hội nghị COP 20 và CMP10, xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Quỹ Khí hậu Xanh vừa cho biết đã nhận được cam kết đóng góp 9,6 tỷ USD từ 22 nước thành viên nhằm giúp các nước đang phát triển giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất với hơn 3 tỷ USD, đứng thứ 2 là Nhật Bản với 1,5 tỷ USD.
COP-20 và CMP10 diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vừa ra tuyên bố chung về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2020. Liên minh Châu Âu (EU) nêu cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2020-2030 và các nước ASEAN cũng vừa ký tuyên bố chung ASEAN - Mỹ về chống biến đổi khí hậu.
Đây là những diễn biến quan trọng trong tiến trình đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, khi thời gian đến cuối năm 2015 để thông qua một hiệp định quốc tế không còn dài.
Nhưng Hội nghị ở Lima cũng diễn ra trong bối cảnh: Do những tác động của con người, đáng kể nhất là việc tạo ra quá nhiều chất thải gây hiệu ứng nhà kính đang gây ra những tác hại nghiêm trọng; làm cho nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng lên kéo theo nắng nóng, mưa lớn, axit hóa đại dương. Nhiệt độ nước biển cũng tăng lên kéo theo việc băng ở cả hai đầu Bắc và Nam cực tan nhanh, gây bão gió, lụt lội ở nhiều nơi trong năm vừa qua.
Đặc biệt, ngày 3/12, Tổ chức Khí thượng thế giới (WMO) đã ra báo cáo cho biết năm 2014 có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử Trái Đất kể từ khi được theo dõi thường xuyên. Và ông Michel Jarraud, Tổng Thư ký WMO tỏ ra rất lo ngại trước việc bề mặt nước biển tại tất cả các đại dương, các biển đều nóng lên, trong đó có cả vùng Bắc cực, và cho rằng điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo các số liệu cập nhật của WMO, nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất trong 10 tháng đầu năm nay đã cao hơn 0,86 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1961-1990, và nếu như số liệu đo đạc của hai tháng còn lại không thay đổi, thì năm nay chắc chắn sẽ là năm nóng nhất kể từ khi nhiệt độ Trái Đất được theo dõi thường xuyên.

 

Một người dân tránh nắng nóng tại Paris năm 2012. Ảnh: Reuters.

Cụ thể, WMO đưa ra các con số chứng tỏ: trong thời gian này, phía Tây của Bắc Mỹ, châu Âu, phần phía Đông của lục địa Á-Âu, phần lớn châu Phi và các khu vực Tây, Nam của châu Đại dương là những nơi nóng nhất thế giới.
Cùng với sự gia tăng nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất nói chung, nhiệt độ trên mặt nước biển trong 10 tháng đầu năm nay cao chưa từng thấy, tăng 0,45 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1961-1990.
Và nếu năm nay là năm nóng nhất, thì 14 trong số 15 năm Trái Đất có nhiệt độ cao nhất, đều thuộc vào thế kỷ 21 này (nghĩa là từ năm 2000 đến nay, năm sau nhiệt độ Trái Đất đều cao hơn năm trước, và luôn ở mức cao nhất tính đến thời điểm đó), điều đó chứng tỏ rằng Trái Đất vẫn đang tiếp tục nóng lên, và hiện tượng này chưa hề có dấu hiệu dừng lại.
Báo cáo trên của WMO đã được trình lên Hội nghị lần thứ 20 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-20) đang diễn ra tại thủ đô Lima, Peru!
Trong bối cảnh đó, tiếp theo sau hội nghị tại Ba Lan lần trước, COP-20 tại Lima năm nay tiếp tục tiến trình thương lượng nhằm rút ngắn thời gian tiến đến một Hiệp định tổng quát, đầy đủ và có tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - một nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu tăng.
Hiệp định tương lai này sẽ ràng buộc Mỹ và các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Và Hiệp định này cũng sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto, trở thành văn bản đầu tiên ràng buộc tất cả các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Dĩ nhiên, Hội nghị COP 20 và CMP10 không phải diễn ra một cách dễ dàng và cũng không dễ dàng để có được một Nghị định thư Kyoto mới, khi giữa các nước phát triển (nước giàu) và các nước đang phát triển (nước nghèo) còn tồn tại nhiều khác biệt mà không bên nào nhận trách nhiệm cao nhất khi LHQ đòi hỏi mỗi quốc gia đều phải đưa ra mức hạn chế khí thải độc hại tối đa.
Nhiều triệu người trên thế giới đang chờ đón các kết quả đạt được ở Lima vào cuối tuần này.

Theo vietnamnet.vn

 

Quảng Nam: Người dân lại dựng lều bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm

Thứ Bẩy, 06/12/2014 - 20:00

Chịu không nổi tình trạng ô nhiễm không khí từ nhà máy thép, người dân lại tiếp tục dựng lều, barie để phản đối. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, rất nhiều lần người dân tổ chức phản đối vì không chịu nổi ô nhiễm.

Từ ngày 5/12 đến tận chiều ngày 6/12, hàng trăm người dân của thôn 7A (xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) tập trung dựng lều, lập barie ngay trước cổng nhà máy Thép Việt – Pháp để phản đối việc công ty đã xả khói độc từ việc nấu thép ra môi trường.
Theo người dân cho biết, rất nhiều lần họ yêu cầu nhà máy cải thiện mùi hôi, khói và tiếng ồn nhưng được một thời gian rồi đâu lại vào đó khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, sức khỏe của người dân sống xung quanh bị giảm sút...

 

Người dân tập trung dựng lều trước cổng nhà máy thép không cho xe chở thép đi vào bên trong

Bà Trần Thị Anh, nhà ở cách hàng rào nhà máy thép này khoảng 50m bức xúc: “Dân chúng tôi ở đây phải hít những mùi hôi rất khó chịu ngày này qua ngày khác. Ngoài ra, ban đêm khi đóng cửa đi ngủ, khói từ nhà máy xộc vào nhà ai cũng nghẹt thở, tức ngực...”.
Người dân cho biết, từ khi nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2009 đến nay họ đã phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường này. Sau mỗi đợt người dân bao vây, ngành chức năng có xuống giải quyết, nhưng sau một thời gian thì đâu lại vào đấy, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.
Ông Bình, một người dân ở gần nhà máy đã tập trung trước cổng nhà máy phản đối ô nhiễm, bức xúc cho biết: “Chúng tôi phản đối nhiều lần, lãnh đạo nhà máy có hứa sẽ giảm thời gian nấu để giảm ô nhiễm nhưng gần đây, nhà máy hoạt động hết công suất, chúng tôi chịu không nổi”.
Do người dân tập trung dựng lều và chứng ngại vật ngay trước cổng nhà máy thép nên hai ngày nay, hoàng loạt xe tải chở thép phế liệu không thể vào bên trong nhà máy nên khoảng 200 công nhân buộc phải nghỉ việc.
Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc, ông Nguyễn Đào – Trưởng Công an xã Điện Nam Đông – cho biết, sau khi người dân tập trung phản đối nhà máy thép, công an xã có cử lực lượng đến để đảm bảo công tác an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Đào cũng cho hay, lãnh đạo xã và ngành chức năng của huyện Điện Bàn cũng đã xuống nhà máy làm việc, còn hướng giải quyết như thế nào thì chưa biết.
Về việc nhà máy thép Việt – Pháp gây ô nhiễm, báo Dân trí đã có nhiều bào phản ảnh (“Người dân vẫn bao vây nhà máy thép ô nhiễm”, “Sau đối thoại, người dân vẫn không cho nhà máy thép hoạt động”...). Người dân cho rằng việc nhà máy gây ô nhiễm cũng không hoàn toàn do đơn vị này mà do chính quyền huyện Điện Bàn trước đây không cân nhắc kỹ khi cho xây dựng nhà máy thép gần khu dân cư.
Nếu nhà máy xây dựng trong khu công nghiệp tập trung và xa khu dân cư thì người dân sẽ không phản ứng, đằng này nhà máy thép Việt – Pháp vừa gần khu dân cư vừa gây ô nhiễm thì người dân buộc phải phản ứng. Theo người dân, một là nhà máy di dời, hai là người dân phải di dời đi nơi khác chứ không thể “sống chung” như hiện nay được.

Theo dantri.com.vn

 
Trang 12 trong tổng số 375 trang