Tin tức



Bến Tre: Dân khôn đốn vì nhà máy gây ô nhiễm môi trường

Thứ Ba, 07/10/2014 - 14:33

- Hàng trăm hộ dân ấp Tiên Tây Vàm (Tiên Thủy, Châu Thành) khốn đốn vì chi nhánh Công ty TNHH may Cây Dừa 1 xả nước thải gây nhiễm môi trường trầm trọng. Mọi sinh hoạt, sản xuất gần như bị đảo lộn.

Nước thải hóa chất làm tôm cá biến mất, người cũng không yên

Từ khi đi vào hoạt động hơn nửa năm nay, chi nhánh Công ty TNHH may Cây Dừa 1 (đặt tại ấp Tiên Tây Vàm, Tiên Thủy, Châu Thành, Bến Tre) đã xả thải ra môi trường toàn hóa chất độc hại làm cây cối, vật nuôi của người dân bị chết. Dòng sông bị đầu độc hầu như không còn con cá, con tôm nào sống sót. Bà Trần Thị Mười, chủ trại nuôi heo ở phía sau công ty cho biết: "Khi công ty đi vào hoạt động xả nước thải lúc màu xanh, lúc màu vàng người dân không biết vẫn lấy nước sông xài nên bị ngứa ngáy. Gia đình tôi nuôi heo bơm nước lên tắm heo là ngày hôm sau heo bị lở da rồi bệnh chết hết 4 con. Vậy là tôi phải khoan giếng lấy nước ngầm để xài cho tới giờ vì nước ở dưới kênh toàn hoá chất".

 

Con kênh nhỏ phía sau Công ty TNHH Cây Dừa 1 bị đầu độc bằng nước thải hóa chất

Những hộ dân ở ngay khu xả nước thải của công ty thì không thể sống nổi vì mùi hôi và nguồn nước ô nhiễm. Ông Lê Hùng Vương nhà ở ngay cống xả nước thải của công ty cho biết: "Trước đây khi công ty chưa hoạt động xóm làng ở đây rất bình yên. Tôi đặt dớn dưới kênh ngay sau nhà hôm nào cũng có cá, tôm. Vậy mà giờ dưới kênh không còn con nào hết. Ngay cả ao cá của tôi nuôi gần đó khi nước ngoài kênh chảy vô cũng chết luôn". Theo ông Vương, do công ty xả nước thải toàn hóa chất nên cây cối, tôm cá đều không thể chịu nổi. Ngay cả bụi dừa nước có sức sống rất mãnh liệt nhưng cũng chịu chết vì nước hóa chất này.

Những hộ dân xung quanh trồng dừa, xoài, mít chống chọi với nguồn nước ô nhiễm bằng cách không tưới cây nên những khu vườn ở vùng nước ngọt quanh năm trở nên cằn cỗi. Ông Lê Văn Hướng, có khu vườn sát công ty này bức xúc: "Khu vườn của tôi mấy cây mít bắt đầu vàng lá vì nước từ dưới kênh dẫn theo mương vườn ngấm vào đất. Cứ đà này cây cối ở vùng này trước sau gì cũng chết sạch và con người cũng không thể sống nổi".

Hàng trăm họ dân nơi đây đã gửi đơn cầu cứu tới chính quyền địa phương, các cấp, các ngành nhưng công ty chỉ ngưng một thời gian rồi lại tiếp tục đầu độc môi trường. Ông Trần Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tiên Thủy cho biết: "Tình trạng xả thải của công ty càng ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong người dân nên UBND xã và các đơn vị liên quan đã kiến nghị lên thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường Bến Tre vào cuộc thanh tra các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường tại công ty này".

Kiến nghị tạm ngưng hoạt động, phạt trên 600 triệu đồng
Chi nhánh công ty TNHH may Cây dừa 1 đăng kí kinh doanh được Sở Kế hoạch – Đầu tư Bến Tre cấp là may gia công, giặt ủi, buôn bán quần áo. Thực tế tại chi nhánh này chỉ hoạt động trong lĩnh vực giặt, làm sạch và sấy các sản phẩm dệt may. Lượng hóa chất công ty sử dụng để nhuộm vải rất độc hại cho môi trường như: axit oxalit, ô xi già, thiosunfat, soda, javel… mẫu xả thải trực tiếp có hàm lượng chất độc hại, kim lại nặng gấp 16 lần so với quy định; mẫu xả qua ao lắng chứa chất độc hại cũng vượt quy chuẩn cho phép...
 
Kết luận thanh tra, Sở Tài nguyên – Môi trường Bến Tre nhận định Chi nhánh Công ty may Cây dừa 1 đã cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên – môi trường trong một thời gian dài. Trong thời gian chờ kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên – Môi trường, chi nhánh này tiếp tục xả thải ra môi trường, làm nguồn nước tiếp tục bị ô nhiễm.
 
Sở Tài nguyên – Môi trường Bến Tre kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xử phạt vi phạm hành chính đối với Chi nhánh Công ty may Cây dừa 1 với số tiền 642 triệu đồng. Đây là mức phạt đối với 4 hành vi: xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép, khoan thăm dò 4 giếng nước ngầm không giấy phép, không có giấy xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành. Đồng thời buộc công ty tạm ngưng hoạt động trong thời gia 3 tháng để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện tại, UBND tỉnh Bến Tre đang phối hợp với các ban ngành xử lý các kiến nghị của Sở Tài nguyên – Môi trường liên quan tới Chi nhánh Công ty may Cây dừa 1.
 
Tuy nhiên, công ty này vẫn xả thải nước hóa chất độc hại ra môi trường khiến người dân rất khố đốn. Nhiều người đặt nghi vấn tại sao chi nhánh công ty này không được xây dựng ở khu, cụm công nghiệp mà lại ở giữa khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp rồi đầu độc môi trường gây bức xúc trong nhân dân.

Theo dantri.com.vn

 

Tây Ninh quá tải hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp

Ngày 07/10/2014 00:10 GMT+7

Cần biết - Hầu hết hệ thống xử lý nước thải chung tại các khu công nghiệp của Tây Ninh hiện nay đều rơi vào tình trạng quá tải.
Do đầu tư thiếu đồng bộ, không đáp ứng kịp thời với tiến độ thu hút dự án, nhất là các dự án thuộc ngành dệt may, dệt sợi…có lượng lớn nước thải cần xử lý, nên hầu hết hệ thống xử lý nước thải chung tại các khu công nghiệp của Tây Ninh hiện nay đều rơi vào tình trạng quá tải, thường xuyên xảy ra sự cố về môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp, khu chế xuất gồm: khu công nghiệp Trảng Bàng, khu công nghiệp Thành Công, khu công nghiệp Phước Đông – Bời Lời, khu chế xuất Linh Trung III và 2 khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát. Các khu này đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung đạt quy chuẩn về môi trường (quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT cột A). Tuy nhiên, gần đây một số khu công nghiệp thu hút mạnh các ngành nghề dệt may, dệt sợi, nhuộm sợi… nên rơi vào tình trạng quá tải khi tiếp nhận nguồn nước thải để xử lý.

 

Điển hình như hệ thống xử lý nước thải chung của khu công nghiệp Trảng Bàng, có công suất xử lý 5.000 m3/ngày đêm được xây dựng từ năm 2009, đến nay chưa được đầu tư nâng công suất thêm, nên khi một công ty dệt nằm trong khu công nghiệp đi vào hoạt động, xả ra thêm lượng nước thải 1.000 m3/ngày đêm, hòa cùng với nguồn nước thải của trên 30 cơ sở sản xuất khác, dẫn đến tình trạng quá tải trong khâu tiếp nhận, xảy ra sự cố nước thải sau xử lý không đạt quy chuẩn.
Còn khu công nghiệp Phước Đông – Bời Lời đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 5.000 m3/ngày đêm, nhưng thực tế phải xử lý lượng nước thải gấp 3 lần do các cơ sở trong phân khu dệt may thải ra, trong khi nhu cầu xử lý nước thải của các dự án tại đây trong thời gian tới (khi các dự án mới tiếp tục đi vào hoạt động) là 63.800 m3/ngày đêm.
Trước tình trạng “cung" lớn hơn "cầu” trong khâu xử lý nước thải, các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Tây Ninh gần đây đã buộc các nhà đầu tư có dự án thuê đất trong khu công nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt cột A mới được hòa vào nguồn nước thải chung để “giảm tải” trong khâu xử lý. Quy định này đang gây nhiều tranh cãi giữa các nhà đầu tư và công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp vì phía “chủ nhà” đã không bảo đảm cam kết khi kêu gọi đầu tư là chỉ xử lý nước thải đạt loại B trước khi đưa vào hệ thống thu gom để được xử lý.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

Thanh Hóa: Vụ chôn thuốc trừ sâu: Sẽ công bố bản đồ ô nhiễm môi trường

Thứ Năm, 25/09/2014 - 09:41

- Hàng trăm tấn chất thải nguy hại và đất ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật đã được xử lý. Hiện Tổng cục Môi trường đang chỉ đạo hoàn thiện để công bố bản đồ ô nhiễm môi trường khu vực Công ty CP Nicotex Thanh Thái.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa liên quan đến việc xử lý ô nhiễm môi trường tại Công ty CP Nicotex Thanh Thái, đóng trên địa bàn xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 việc xử lý ô nhiễm môi trường tại đây.
Tính đến thời điểm này, đã có hơn 239 tấn chất thải nguy hại và đất nhiễm nặng hóa chất bảo vệ thực vật phải chuyển đi tiêu hủy. Ngoài ra, còn có hơn 714 tấn đất nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật nhẹ được Công ty Nicotex Thanh Thái đã phối hợp với Viện Môi trường Nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xử lý tại chỗ bằng hóa chất.
Toàn bộ khối lượng chất thải và đất sau khi khai đào được đóng gói bảo quản, đánh số thứ tự, ghi khối lượng lên bao bì lưu trữ trong kho và tại các điểm tập kết trong khuôn viên Công ty CP Nicotex Thanh Thái.
Hơn 239 tấn chất thải nguy hại và đất nhiễm nặng hóa chất bảo vệ thực vật sau khi khai quật, đóng gói được Công ty cổ phần Phát triển công nghệ Tài nguyên Môi trường vận chuyển đến xử lý tiêu hủy trong lò nung của Nhà máy Ximăng Thành Công - Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công III, đóng tại xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

 

Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 việc xử lý ô nhiễm môi trường tại Công ty CP Nicotex Thanh Thái.

Đặc biệt, hơn 3 tấn chất thải nguy hại gồm 1.854kg các loại bao bì nhựa dính hóa chất bảo vệ thực vật, 1.200kg nguyên liệu dùng trong sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng và các loại chất thải khác có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật lưu giữ tại Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái đã được Công ty cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp 11 vận chuyển đến nhà máy đóng tại tỉnh Hưng Yên để xử lý theo quy định.
Quá trình xử lý số lượng chất thải nêu trên được thực hiện dưới sự giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Yên Định, UBND huyện Cẩm Thủy và đại diện nhân dân các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) VÀ xã Yên Lâm (huyện Yên Định).
Trong quá trình thi công xử lý, Tổ giám sát liên ngành đã hợp với đơn vị thi công, chủ đầu tư tổ chức lấy 16 mẫu đất sau khi xử lý gửi Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường - Bộ Tư lệnh Hóa học để phân tích, đánh giá hiệu quả xử lý.
Sau khi phân tích, kết quả cho thấy hàm lượng các hóa chất bảo vệ thực vật có trong đất sau khi xử lý thấp hơn quy chuẩn cho phép nhiều lần, đất sau khi xử lý không còn ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật.

Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn công tác tổ chức 3 đợt lấy mẫu, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường trong và ngoài khuôn viên Công ty CP Nicotex Thanh Thái và tổ chức Hội thảo lần thứ nhất do Viện môi trường thực hiện, trên cơ sở đó, Tổng cục môi trường đang chỉ đạo hoàn thiện để công bố bản đồ ô nhiễm môi trường khu vực Công ty CP Nicotex Thanh Thái.
Sau khi công bố kết quả, nếu còn ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa sẽ đôn đốc, chỉ đạo lập phương án và triển khai thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường những khu vực còn ô nhiễm theo kết quả đánh giá của Tổng cục môi trường.

Theo dantri.com.vn

 

Thêm nguy hại cho nước sông Sài Gòn

Thứ Tư, 23:07  24/09/2014

Một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học cho thấy hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đã xuất hiện chất gây rối loạn nội tiết và kháng sinh

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết: “Do ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và sức khỏe con người nên 2 nhóm chất kháng sinh và các chất gây rối loạn nội tiết (endocrine disruptors - EDCs) gây ô nhiễmsông Sài Gòn - Đồng Nai được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Ở nước ta, do sử dụng khá thường xuyên các chất kháng sinh, trong khi hầu như các nguồn nước thải đều không được kiểm soát nên việc tích lũy các chất này tại những nơi tiếp nhận nhiều loại nước thải khác nhau như lưu vựcsông Sài Gòn - Đồng Nai là có thể xảy ra”.

Bùn cũng nhiễm chất độc hại
Từ năm 2012, các nhà khoa học của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã nghiên cứu, đánh giá dư lượng của một số kháng sinh (nhóm fluoroquinolone) và chất gây rối loạn nội tiết tại hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai. Từ đó, đề xuất giải pháp giám sát, kiểm soát các chất gây nguy hại này.

 

Lấy nước sông Sài Gòn phục vụ nghiên cứu bảo vệ môi trường. (Ảnh do Chi cục Bảo vệ Môi trường TP HCM cung cấp)

Trong năm 2013, các nhà khoa học đã lấy 24 mẫu nước mặt và 24 mẫu trầm tích của 2 sông Sài Gòn và Đồng Nai; lấy 13 mẫu nước thải và 13 mẫu bùn thải tại các trạm xử lý của các bệnh viện trên địa bàn TP HCM và Đồng Nai. Ngoài ra, các nhà khoa học còn lấy hàng chục mẫu nước thải, bùn thải tại nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đô thị của TP HCM, Đồng Nai.
Kết quả cho thấy có dư lượng khá cao kháng sinh FQs, TCs và chất gây rối loạn nội tiết PEs tại nhiều vùng sông Sài Gòn và các khu vực lân cận. Cụ thể, tần suất xuất hiện fluoroquinolone (FQs) trong nước có nơi đến 33%, trong bùn là 62%; tetracylines (TCs) trong nước có nơi 33%, bùn 57%; phthalate ester (PEs) trong nước có nơi 25%, bùn 100%. Nghiêm trọng hơn là những chất nguy hại này có dư lượng khá cao tại một số nơi là nguồn nước đầu vào của 2 nhà máy nước Hóa An và Biên Hòa.

Phải xử lý sớm
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn cho biết kháng sinh và chất gây rối loạn nội tiết trong nguồn nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Những chất này có trong chất thải sinh hoạt đô thị, bệnh viện, khu vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là quy trình xử lý nước thải lại chưa xử lý được 2 nhóm chất này. Do vậy, kháng sinh và chất gây rối loạn nội tiết có thể tồn lưu và di chuyển ra các nguồn nước bên ngoài. Dư lượng của kháng sinh là nguyên nhân hình thành hoặc phát triển các nhóm vi sinh vật kháng kháng sinh. Còn PEs sẽ gây ra các rối loạn nội tiết cho con người. Trong khi đó, nước vùng hạ lưusông Sài Gòn - Đồng Nai là nguồn dùng để xử lý, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP HCM và những khu vực lân cận. Vì vậy cần có giải pháp để sớm xử lý 2 nhóm chất nguy hại này.
Từ điều tra ban đầu, nhóm nghiên cứu đề xuất 3 nhóm giải pháp để quản lý và giảm thiểu ô nhiễm cho vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, trong đó cần sớm ban hành các quy định liên quan đến dư lượng kháng sinh và chất gây rối loạn nội tiết trong nước thải và nguồn tiếp nhận. Giám sát sớm diễn biến của các chất ô nhiễm vừa phát hiện.

Không quá lo ngại
Ông Nguyễn Quang Triết, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp, cho biết khu vực lấy nước trên sông Sài Gòn của Nhà máy nước Tân Hiệp thuộc thượng lưu sông Sài Gòn (ấp Bến Than, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP HCM) là nơi dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng ruộng nên vấn đề ô nhiễm nước sông không đáng lo ngại. Vả lại, quy trình xử lý nước trước khi cung cấp cho người dân tại các nhà máy nước rất nghiêm ngặt; hằng tháng, các trung tâm phân tích lấy mẫu nước nước sông Sài Gòn 2 lần, Trung tâm Y tế dự phòng TP lấy mẫu nước tại các nhà máy.
Ông Bùi Thanh Giang, Giám đốc Nhà máy nước Thủ Đức - nơi lấy nước trực tiếp trên sông Đồng Nai, cho biết cũng không quá lo ngại trước thông tin của nhóm nghiên cứu bởi nhà máy lấy nước tại thượng lưu sông Đồng Nai (cầu Hóa An, tỉnh Đồng Nai). Đến nay, các chỉ tiêu xử lý nước trước khi cung cấp cho người dân đều bảo đảm.T.Hồng
 
Có thể gây ung thư
Đầu năm 2013, sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện Môi trường và Tài nguyên - ĐHQG TP HCM, ĐH Tsukuba - Nhật Bản công bố nước tại hồ Dầu Tiếng qua sông Sài Gòn cung cấp nước sinh hoạt cho TP HCM có hàm lượng độc tố vi khuẩn lam Microcystins (có thể ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng của tế bào con người) vượt từ hàng chục đến ngàn lần quy định về nước uống của thế giới. Tháng 7-2013, các nhà khoa học của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết tributyltin (tương tự chất diệt nấm trong sơn chống hà cho nhiều loại tàu thuyền và vật liệu đánh bắt thủy sản) đã xuất hiện và tăng dần hàm lượng ở hạ lưu sông Sài Gòn. Tributyltin có thể gây tác hại cho sinh vật biển và con người như biến đổi giới tính ở động vật chân bụng, biến dạng vỏ ốc, gây chảy máu mũi, viêm mũi...
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng việc sử dụng nguồn nước nhiễm độc, nhiễm khuẩn như có chất gây rối loạn nội tiết và kháng sinh cao có thể gây hại cho sức khỏe con người. Nếu nguồn nước này được sử dụng để sinh hoạt, ăn uống có thể tác động đến các cơ quan, bộ phận trong cơ thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm, thậm chí gây ung thư, vô sinh...

Theo nld.com.vn

 
Trang 19 trong tổng số 375 trang